ỦNG HỘ THIÊN TAI – CỦA CHO KHÔNG BẰNG CÁCH CHO

ỦNG HỘ THIÊN TAI – CỦA CHO KHÔNG BẰNG CÁCH CHO

 

Những ngày gần đây câu chuyện ủng hộ, từ thiện, Check Var (thuật ngữ mạng xã hội thay cho Check Sao kê) râm ran toàn xã hội không kém gì hậu quả của bão Yagi. Câu chuyện từ thiện là câu chuyện hết sức tế nhị đã kéo khá nhiều người nổi tiếng vướng vào lùm xùm sao kê trước đây cũng như hiện tại. Người trong cuộc nói làm bằng cái tâm, người ngoài đặt nghi vấn có ăn chặn không? Có sử dụng tiền đúng mục đích ban đầu kêu gọi? Và từ thiện có đúng đối tượng không?

Sau bão Yagi nhà nước, người dân cùng chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở. Đây là câu chuyện không của riêng ai, chỉ nhà nước thì không đủ, không kịp thời hết được do đó hàng ngày biết bao nhiêu tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi miền tổ quốc ủng hộ bằng sức người, bằng vật chất, bằng hành động cùng kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ. Quả thực rất đáng quý, một đồng cũng quý, một gói mì khi đói cũng là đáng quý.

Tuy nhiên, các cụ ta có dạy “CỦA CHO KHÔNG BẰNG CÁCH CHO”, vì nhiều yếu tố khác nhau nhiều người lựa chọn cách chuyển khoản vào tài khoản các cơ quan của MTTQ Việt Nam để cơ quan này thay mặt mình, chuyển tới nơi và người cần hỗ trợ. Thật bất ngờ với trước đây, hiếm người quan tâm đến Danh sách người ủng hộ, số tiền ủng hộ do MTTQ công bố thì nay nhiều người quan tâm đến những người nổi tiếng, Idol, KOL, Tiktoker, Youtuber ủng hộ bao nhiêu? Có đúng với như những gì họ công bố không?

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bênh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo, MTTQ công khai danh sách người ủng hộ và số tiền ủng hộ. Với cá nhân vận động, tiếp nhận ủng hộ cũng có nghĩa vụ công khai theo Điều 19 của Nghị định. Nên cả người vận động, tiếp nhận ủng hộ và người ủng hộ khó có cơ hội gian dối hoặc phông bạt, cá nhân họ sẽ đối diện với các chế tài được pháp luật quy định và đối diện với sự phán xét của xã hội, dư luận.

Không mấy bất ngờ và không ít người phải lên tiếng xin lỗi, phải chuyển khoản bổ sung bởi họ đã không chuyển đủ số tiền được ủy thác như trường hợp người quản lý quỹ CLB của Trường cao đẳng nào đó hay như một phụ nữ bán đấu giá đôi giày ủng hộ khắc phục hậu quả bão lũ hay như một số người nổi tiếng nhờ công nghệ chỉnh sửa ảnh nâng khống số tiền ủng hộ và thậm chí là tự mình chuyển khoản và tự mình khai khống, chỉnh sửa số tiền ủng hộ.

Vô vàn lý do đưa ra chẳng hạn như: Trợ lý nào đó tắc trách nhầm lẫn, rồi đến cả lý giải 1.000 đồng không phải là tiền ủng hộ đâu, đó là phí OTP của nhà băng mà rõ rằng cái phí ấy chẳng có và không có phí nào của người chuyển khoản nổi trên tài khoản của MTTQ mà người nổi tiếng cũng nghĩ ra, đúng là người nổi tiếng có lối đi riêng. Có thể do thiếu hiểu biết, cộng với quyết tâm dắt mũi dư luận, PR bẩn những người này cho rằng số đông người dân không hiểu biết cái họ đang biện minh, hoặc không đủ trình độ để biết về cái họ đang nói. Và dù có là gì đi chăng nữa thì cái tôi thấy đó là sự coi thường người dân, coi thường công chúng, trong đó có những người hâm mộ của họ.

Pháp luật không có chế tài với đa số các trường hợp này bởi tiền của họ, làm gì là quyền của họ, có chăng là họ khống lên để PR, để dẫn dắt dư luận. Tôi nghĩ điều này những người nổi tiếng đã biết, vì vậy họ cố tình làm và làm đến cùng cho dù họ có thể bị phát hiện nói dối thông qua Check Var. Những người nhận ủy thác của nhiều người, thực tế chỉ ủng hộ số ít tiền họ đã nhận ủy thác, thì hành vi đó có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi giá trị chiếm đoạt đạt ngưỡng cấu thành tội phạm. Thực tế có rất nhiều trường hợp có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau đó họ chủ động khắc phục bằng cách chuyển khoản toàn bộ số tiền đã nhận ủy thác hoặc phân phối toàn bộ số tiền nhận ủy thác nên hậu quả không có và chưa bị vướng vòng lao lý.

Một số quan điểm cho rằng người đòi sao kê, Check Var không bằng người ủng hộ ít nhưng sống ảo. Cá nhân tôi cho rằng cứ ủng hộ là tốt, đó là tấm lòng, lòng ít lòng nhiều cũng đều đáng quý và đáng trân trọng. Nhưng CỦA CHO KHÔNG BẰNG CÁCH CHO, đặc biệt lấy tình thương trong hoàn cảnh người khác đang khốn cùng thì cái ý thức thật thấp kém và cơ hội.

Thạc sĩ, Luật sư Lê Hữu Linh

Giám đốc Công ty Luật TNHH ATOZ