Thích Chân Quang – sự nuông chiều, chưa quyết liệt xử lý

Gần đây báo chí thông tin về việc ông Thích Chân Quang khiếu nại Quyết định cưỡng chế công trình trái phép ở chùa Phật Quang. Sự việc sẽ không đáng quan tâm nếu như không có cái tên Thích Chân Quang. Ông Thích Chân Quang tên thật là Vương Tấn Việt là nhân vật chính trong vụ việc không có hồ sơ thi tốt nghiệp cấp ba nhưng đã học đại học và lấy bằng cử nhân luật, tiến sĩ luật. Sự việc rất ồn ào, mà phải đến khi Bộ nội vụ có ý kiến sự việc mới được sáng tỏ. Và đến nay chưa có thông tin chính thức về hình thức xử lý về pháp lý và tôn giáo mà ông Thích Chân Quang phải nhận. Có hay không sự nuông chiều, chưa quyết liệt xử lý, mời các bạn cùng tham khảo góc nhìn của chúng tôi về ông Thích Chân Quang – sự nuông chiều, chưa quyết liệt xử lý trong bài viết dưới đây.

  1. Nuông chiều, chưa quyết liệt xử lý về trách nhiệm pháp lý đối với ông Thích Chân Quang

Nhiều thông tin dư luận nghi vấn về bằng cấp của ông Thích Chân Quang (tên thật là Vương Tấn Việt). Trước các nghi vấn này ông Thích Chân Quang hoàn toàn im lặng, các trường đại học thì chờ kết luận của của cơ quan chức năng, một mực khẳng định đúng quy trình. Phải đến khi Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM có văn bản xác nhận thì sự việc mới ngã ngũ. Ông Thích Chân Quang không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM. Ông Thích Chân Quang cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM. Sau đó gần như không có thông tin về hình thức xử lý của các trường đã cấp bằng đại học, tiến sĩ cho ông Thích Chân Quang.

Nếu không phải ông Thích Chân Quang là chức sắc tôn giáo có tầm ảnh hưởng nhất định quá trình thi cử, đào tạo, cấp bằng thuận lợi như thế không? Dư luận sẽ đặt nghi vấn, để rồi đến khi sự việc phanh phui thì cách thức xử lý cũng rất chậm chạp, thiếu quyết liệt và có phần nuông chiều.

Mức độ quan tâm đến ông Thích Chân Quang thể hiện tại nghị trường phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 09/10/2024 thẩm tra Báo cáo kinh tế – xã hội của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết trong năm 2024 dư luận xã hội “dậy sóng” với trường hợp ” học giả, bằng thật ” ở cấp đào tạo trình độ cao nhất. Mặc dù vậy, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch. Báo cáo dẫn chứng trường hợp ông Thích Chân Quang bảo vệ luận án và được cấp bằng tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội, sau hơn 2 năm từ khi tốt nghiệp cử nhân luật hệ vừa làm, vừa học.

Tôi nghĩ chắc chắn các trường đại học sẽ có hình thức xử lý với ông Thích Chân Quang căn cứ theo các quy định pháp luật liên quan và theo quy trình nhất định. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước khác cũng cần có những hình thức xử lý kịp thời, quyết liệt, không vùng cấm. Trong lịch sử chúng ta đã xử lý hình sự các vi phạm tới cấp Ủy viên Bộ chính trị, đây là lời khẳng định chắc chắn của Đảng và Nhà nước quan điểm không có vùng cấm. Một Thích Chân Quang nhỏ nhoi chẳng có nghĩa lý gì để phải cân lên hạ xuống. Có chăng ông Thích Chân Quang chỉ là một chức sắc tôn giáo.

Việc sử dụng văn bằng giả theo như báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM với ông Thích Chân Quang có thể cấu thành tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Và hành vi này đã có kết luận của cơ quan chức năng một cách công khai nên việc xử lý càng cần nhanh chóng, kịp thời để rộng đường dư luận, tránh người dân sẽ có những nghi vấn không tốt về trường hợp của ông Thích Chân Quang và các trường hợp khác tương tự.

  1. Nuông chiều, chưa quyết liệt xử lý về góc độ tôn giáo đối với ông Thích Chân Quang

Cá nhân tôi không ủng hộ, cũng không cổ súy hay bài trừ bất kỳ tôn giáo nào. Tôn giáo, người truyền giáo nào cũng cần thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật, không có tôn giáo nào ở trên pháp luật. Có thể trước đây, thời kỳ xã hội mông muội đã có nhiều tôn giáo mà sự ra đời và phát triển của nó cực thịnh. Thậm chí vượt qua cả nhà nước, tầng lớp tăng nữ đứng trên cả vua chúa và quan lại, với những đặc quyền chuyên biệt không ai có. Tuy nhiên, đó là thời kỳ của mông muội, của quá khứ không phù hợp, đã tự đào thải. Các tôn giáo nên nhìn nhận đúng đắn vai trò của đạo. Theo tôi đạo để làm đẹp đời, giáo dục con người hướng thiện, là nơi người ta dựa dẫm, điểm tựa vào lúc yếu đuối của cuộc đời, nâng đỡ tinh thần con người.

Chức sắc tôn giáo không có đặc quyền, ân huệ trong xử lý vi phạm và như vậy nếu chỉ xử lý về mặt pháp luật với ông Thích Chân Quang là chưa đủ. Ông Thích Chân Quang là một vi trụ trì của Giáo hội Phật giáo, Giáo hội Phật giáo không nên và không thể im lặng như hiện tại. Ở vị trí của mình ông Thích Chân Quang có các phát ngôn không đúng chánh pháp, bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật, theo đó ông Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức trong vòng 2 năm. Đến nay ông Thích Chân Quang có hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng văn bằng giả. Ông Thích Chân Quang không đủ tư cách, đạo đức đứng trong hàng ngũ tu sĩ, không còn đủ tư cách để giảng dạy, nêu gương đạo pháp cho bất kỳ ai. Không vi phạm pháp luật là điều kiện tiên quyết để xuất gia theo Quy chế Ban tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027.

Ngoài ra, trong thời gian trụ trì chùa Phật Quang của ông Thích Chân Quang, chùa Phật Quang xây dựng 36 công trình thì có tới 35 công trình không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thanh, kiểm tra và chỉ ra hàng loạt những vi phạm tại chùa Phật Quang về việc chiếm hàng nghìn mét vuông đất rừng phòng hộ. Trong khi chưa khắc phục hậu quả, đến năm 2021, ông Thích Chân Quang lại tiếp tục lấn chiếm thêm hơn 1.400m2 đất rừng phòng hộ. Các cơ quan chức năng đã lập 33 biên bản vi phạm, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các quyết định đình chỉ thi công với chùa Phật Quang. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng ra các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đại diện chùa không thực hiện mà vẫn tiếp tục xây dựng, bởi chế tài chưa đủ mạnh, thiếu quyết liệt, còn mang tính nuông chiều. Thay vào đó sớm lên kế hoạch và tổ chức cưỡng chế vi phạm đến cùng và thông cáo báo chí công khai kết quả xử lý.

  1. Lời kết đối với trường hợp ông Thích Chân Quang

Đừng để tôn giáo trở thành vùng cấm, chức sắc tôn giáo trở thành nhân vật siêu việt nhiều quyền năng. Hiện tượng Thích Chân Quang chỉ là cá thể, không đại diện và không thể đại diện số đông tăng ni còn lại. Cơ quan nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần sớm quyết liệt xử lý, không thể tiếp tục nuông chiều và công khai, minh bạch hình thức xử lý trước nhân dân. Ông Thích Chân Quang chưa thấy cái sai, chưa thấy cái vi phạm của mình, bản thân ông Thích Chân Quang chưa nhận sai và chưa một lần nhận lỗi. Hay vì chưa ai xử lý nên tự ông Thích Chân Quang cho mình có đặc quyền và coi thường cả pháp luật lẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoặc được nuông chiều nhiều nên ông ấy quen rồi.

 

Bài viết mang quan điểm cá nhân của Công ty Luật TNHH ATOZ.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

1/ Trụ sở: 804 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

2/ Chi nhánh: Phố Chợ Đầu, TP.Hưng Yên, Tỉnh Hưng Yên

  • Số điện thoại: 0343107752

3/VPDD: 100 Văn Cao, Ngô Quyền, Hải Phòng

  • Số điện thoại: 0868618001